WeWork

Tờ Business Insider hôm qua giật tít "Làm sao mà WeWork từ mức định giá 47 tỷ đô đến nói về việc phá sản chỉ trong vòng 6 tuần".

Sự việc bắt đầu từ sự kiện WeWork, start-up công nghệ được định giá cao nhất tại Mỹ nộp hồ sơ IPO và niêm yết.

Khi đó nhà đầu tư, chuyên gia phân tích, nhà báo bắt đầu nhảy vào mổ xẻ 359 trang S-1 hồ sơ đăng ký IPO của WeWork, và có quá nhiều vấn đề trong công bố thông tin này.

Giới đầu tư có vẻ "con chim bị thương sợ cành cong" với trước đó là vụ "lừa đảo" của Theranos (xem "Bad Blood") và IPO thất bại thảm hại của Uber. Giờ thì họ có vẻ "sợ" cái gọi là "đầu tư tầm nhìn" với "Nhà sáng lập tầm nhìn" rồi.

Vì sao họ sợ?

Trong hồ sơ S-1 có 30 trang nói về rủi ro và các vấn đề mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt đối với Nhà đồng sáng lập, cựu CEO, Adam Neumann, người vừa phải từ chức trước thềm IPO. Định giá của WeWork bị yêu cầu điều chỉnh xuống mức rất thấp, thậm chí có thể thấp hơn 10 tỷ đô, con số mà Softbank cam kết đầu tư vào WeWork.

Danh sách những vấn đề:

➡️ Neumann mua cả đống bất động sản khắp nơi trên thế giới

➡️ Ảnh còn chơi cả một em Gulfstream Jet về để bay đi lại giữa London, Panama, Dominic, Tokyo, Hong Kong, Hawaii

➡️ Hai ngân hàng đầu tư JP Morgan Chase và Goldman Sach được thuê để cường điệu hoá giá trị của WeWork lên 63 tỷ đô (JPM) và 96 tỷ đô (GS).

➡️ WeWork lỗ lên đến 904 triệu đô, bất chấp doanh thu tăng lên 1,54 tỷ đô trong 6 tháng đầu 2019, còn năm ngoái lỗ 1,9 tỷ đô trong khi doanh thu chỉ 1,8 tỷ, tức là kiếm được 1$ thì chi 2$.

➡️ Điều tệ hại hơn cả lỗ rất nhiều là WeWork cam kết tiền thuê với chủ toà nhà lên đến 47 tỷ đô trong tương lai nhưng doanh thu được cam kết chỉ là 4 tỷ đô.

➡️ WeWork sử dụng thủ thuật kế toán để công bố một chỉ tiêu gọi là "Contribution Margin" đổi tên từ "Community-adjusted EBITDA". Nói chung không mấy ai hiểu nó là gì.

➡️ Những vấn đề "mâu thuẫn lợi ích" liên quan đến Neumann:
❓ Ảnh có lợi ích tại 4 toà nhà mà WeWork đang thuê
❓ Ảnh vay tiền từ công ty với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường để trang trải cho lối sống xa hoa của mình
❓ Ảnh có hạn mức tín dụng 500 triệu đô được đảm bảo bằng cổ phiếu WeWork
❓ Ảnh chơi khôn bằng cách mua thương hiệu “We”, và sau đó WeWork phải trả cho ảnh 5,9 triệu đô để mua lại “We”
❓ Phần “Bên liên quan” trong S-1 có đề cập rằng hoạt động kinh doanh của WeWork có thể làm giàu cho một Giám đốc nào đó
❓ Ảnh sử dụng tiền của công ty để tài trợ cho dự án “thú cưng”, và nhiều tổ chức khác liên quan đến thú vui lướt sóng của ảnh
❓ Và nếu không may ảnh qua đời thì ảnh có quyền biểu quyết cho vợ ảnh trở thành CEO của công ty
❓ Neumann cam kết tài trợ từ thiện 1 tỷ đô tiền và cổ phiếu, trong đó tài trợ bảo vệ 20 triệu ha rừng

Vậy nhà đầu tư nào bỏ tiền? định giá của WeWork bị đẩy xuống rất thấp, thậm chí nói về câu chuyện phá sản chỉ trong vòng có 6 tuần kể từ khi thông tin được công bố, CEO phải từ chức. Tất cả điều này rất đáng ngạc nhiên khi đó lại là khoản đầu tư của Softbank, Quản trị công ty (Corporate Governance) cực yếu. IPO thất vọng của Uber và thêm vụ WeWork đã khiến uy tín của Softbank giảm nghiêm trọng khi huy động Quỹ tầm nhìn 2 trị giá 100 tỷ đô.

Trông người lại nghĩ đến ta

Nhiều công ty ở ta, kể cả những công ty được tung hô, có nhiều vấn đề của WeWork.

Có công ty số mới lên sàn thì chủ tịch với lãnh đạo mua bán cổ phiếu chui. Có công ty thì công bố mập mờ kiểu “lãi EBITDA”. Nhớ có công ty mua máy bay xong cái thì “sống dở, chết dở” luôn. Có công ty con chủ tịch toàn chơi xe siêu sang. Còn cái chuyện công ty cho vay cá nhân và bên liên quan thì nhiều vô kể. Công ty "chơi chiêu" kế toán thì khỏi nói.

Thôi, chờ bao giờ những vấn đề này được phản ánh vào định giá thì thị trường sẽ lên hạng.

Share lại clip về Scandals Tài chính trên VTV3 mình chém gió: https://youtu.be/koFBto1ixg8 :D :P