HOANG MANG TRƯỚC VIRUS CORONA NHƯNG HÃY LÀ MỘT NGƯỜI DÙNG MXH TỈNH TÁO VÀ THÔNG MINH


Tin tức về virus Corona đang trở thành tâm điểm trên khắp các trang báo trong phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, nguồn tin từ mạng xã hội cũng được nhiều người chia sẻ. Đằng sau hằng hà sa số thông tin là những “fake news” - tin giả, mà người trẻ đang khiến bản thân chìm đắm trong nỗi sợ không xác thực.


Sống giữa đại dịch Coronavirus trên phạm vi toàn cầu là một điều đáng sợ khi đã có hàng chục người thiệt mạng tại Trung Quốc và hàng trăm người được chẩn đoán mắc loại virus Corona virus 2019-nCoV. Tuy nhiên, sống giữa đại dịch “fake news” và những thông tin không chuẩn xác về Corona virus mới thực sự khiến người dân hoang mang, đặc biệt trong thời điểm Tết âm lịch tại Việt Nam.


Sống giữa những tin giả, đọc báo tỉnh táo ra sao để có thể nắm bắt thông tin chính xác nhưng vẫn có một cái Tết vui vẻ, không lo lắng là kỹ năng mà các bạn trẻ cần biết.


1. Không hoang mang, lo sợ hay thờ ơ quá mức


Đây có lẽ là điều tiên quyết với mọi người khi đối diện với thông tin về dịch bệnh đang được phát tán rộng rãi trên mạng. Dịch cúm có thể không làm bạn ốm ngay với những triệu chứng rõ ràng nhưng chắc chắn “dịch” tin giả sẽ để lại sự hoang mang, lo lắng nếu bạn không tỉnh táo tiếp nhận.


Trên thực tế, trạng thái cảm xúc nghiêng về một phía nào cũng không tốt. Việc hoang mang lo sợ dẫn đến căng thẳng, dễ rơi vào những cách giải quyết sai lầm. Việc bạn thờ ơ và lạc quan, cho rằng virus rất khó để xâm nhập vào Việt Nam cũng dẫn đến những nguy cơ khi tới chỗ đông người không mang khẩu trang hay ăn uống không hợp vệ sinh trong ngày Tết. Câu chuyện một người phụ nữ Trung Quốc biết mình bị cúm nhưng vẫn dùng thuốc giảm nhiệt để qua máy kiểm tra thân nhiệt tại sân bay là một minh chứng về sự thờ ơ, vô trách nhiệm trước tin tức và triệu chứng của bản thân dẫn tới nguy cơ lây lan cho nhiều người hơn giữa tâm bão Corona virus.


Ngoài ra, các thông tin mang tính “drama” được đưa ra trên Twitter như việc thành phố Vũ Hán đã phát hiện trên 10 ngàn ca bệnh nhiễm chủng virus với khoảng gần ngàn người tử vong, người chết nằm la liệt trên đường phố, bệnh viện quá tải, y bác sĩ hoảng loạn đều không chính xác, nhằm mục đích đánh vào nỗi sợ hãi của người dân khi đã quá quen với các câu chuyện đại dịch không thuốc chữa trong thế giới điện ảnh.


2. Không chia sẻ những nguồn tin không kiểm chứng


Một đặc tính cơ bản của tin giả là thường có yếu tố gây hoang mang cao, đánh trúng vào tâm lý sợ hãi của độc giả nên thường được chia sẻ với tốc độ nhanh. Tin giả cũng thường đưa cho người đọc những lời khuyên tưởng chừng như hết sức đơn giản trước các vấn đề nghiêm trọng vì hiểu rằng, độc giả đang thực sự có nhu cầu giải quyết vấn đề bằng mọi cách. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với một thông tin viral trên mạng xã hội, hãy tỉnh táo để không bị đánh lừa. Câu chuyện về virus Corona cũng không phải ngoại lệ khi có nhiều fake news hội tụ đầy đủ những yếu tố đó.


Nhiều nguồn tin khẳng định thịt dơi là nguyên nhân dẫn đến truyền bệnh lên người tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được kiểm chứng và khẳng định bởi các cơ quan chức năng. Nguồn tin từ các cơ quan truyền thông có giả định nguyên nhân tới từ các khu chợ ngoài trời buôn bán động vật (cũng là nơi khởi nguồn cho các dịch bệnh như Sars vào năm 2002) nhưng trên trang SCMP với danh sách các loài động vật có nguy cơ truyền virus Corona không có liệt kê loài dơi. Những hình ảnh các bát thịt dơi cũng được chia sẻ ầm ầm, dù không biết thực hư tới đâu.


Virus và vi khuẩn là hoàn toàn khác nhau khi phần lớn các vi khuẩn không cần vật chủ còn virus cần vật chủ để sống - như tế bào người, thực vật hay động vật. Các thông tin đưa ra về việc sử dụng kháng sinh để chống lại virus Corona là không xác thực. Cho nên, khi bị bệnh bởi virus thì không nên sử dụng kháng sinh mà không có chỉ thị từ chuyên viên y tế vì nếu không có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Đây cũng là một nguồn tin không kiểm chứng được nhiều người chia sẻ trước dịch bệnh cúm do virus Corona gây ra.


Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới WHO, độ tuổi tử vong trung bình vì chủng virus này là 73 và các bệnh nhân tử vong đều mang trong mình các căn bệnh cơ hội khác. Người bệnh tử vong trẻ nhất cũng đã 48 tuổi và bà nhập viện điều trị vì một căn bệnh khác trước khi tử vong 4 tuần. Có ghi nhận các bệnh nhân nhỏ tuổi mắc Corona (10 tuổi) nhưng hiện tại đã xuất viện. Cũng theo WHO, chủng virus này không thể tồn tại ở mức nhiệt trên 25 độ C nên với phần lớn các nơi những du khách Trung Quốc tại Việt Nam đã đi qua (Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh), khả năng lây lan sẽ thường không cao. Tất nhiên, với thời tiết mưa rét như tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, bạn cũng không nên chủ quan với những tin tức tô hồng trấn an một cách quá mức.


Mạng xã hội có xu hướng cực đoan hóa mọi câu chuyện, có thể đẩy dịch cúm Vũ Hán theo chiều hướng hoàn toàn không đáng lo hoặc biến nó thành một viễn cảnh như “Train to Busan” khi tỷ lệ lây nhiễm theo cấp số nhân mỗi ngày. Điểm mù của tin về dịch cúm lại rất rộng khi đa phần mọi người không có kiến thức chuyên môn về y tế cộng đồng, sức khỏe; người dân chủ yếu chỉ để ý tới những con số người chết, số lượng quốc gia có ca mắc bệnh hay những thông tin giật gân như “các quốc gia đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc” - một thông tin hoàn toàn không có kiểm chứng. Bất cứ khi nào nhận các thông tin về dịch cúm, hãy tự hỏi bản thân rằng: Thông tin này tới từ đâu? Những vấn đề này liệu có đúng không? Thông tin này có sử dụng các ngôn từ phóng đại, đánh vào cảm xúc không? Mục đích thông tin đưa ra là gì? Nguồn tin này có đáng tin cậy?



Hoặc vui vẻ, người đưa tin này có bán hàng online không?


3. Đọc tin từ những nguồn chính thống


Với tin tức về các dịch bệnh trên toàn cầu, cấp cao nhất để kiểm tra thông tin là trên trang web của tổ chức y tế thế giới WHO. Nếu có một thông tin nào đó khác thông tin được đưa ra bởi WHO, hãy xét về độ tin cậy của thông tin kia trước nhất. Có nhiều trường hợp khi WHO chưa cập nhật tin tức tại cấp địa phương, cơ sở, bạn hãy cập nhất trên trang web của chính phủ, địa phương, cơ quan y tế hoặc gọi trực tiếp tới những đơn vị chuyên trách.


Ở mức độ chính thống thứ ba, hãy kiểm tra trên các trang báo lớn, có mức độ uy tín cao, các bài báo đưa ra có trích dẫn từ ý kiến chuyên gia, kiểm định nguồn chặt chẽ với ngôn từ trung lập. Trên thực tế, dù báo chí có thể chưa đưa tin với những diễn biến nhỏ, bạn cũng không nên tin vào các nguồn trên mạng khi chưa kiểm chứng được thông tin. Nhiều website rác sẽ lợi dụng câu chuyện về dịch bệnh để đưa những thông tin sai lệch, nhằm gây ảnh hưởng không chỉ tới lòng tin của người trẻ mà còn ảnh hưởng tới chính trị, quốc phòng, an ninh.


Việt Nam là một trong những quốc gia đã thực hiện tốt công tác phòng dịch Sars cách đây gần 20 năm với kinh nghiệm được WHO sử dụng cho nhiều quốc gia và công tác phòng dịch nên trước bất cứ thông tin nào bạn tiếp nhận về dịch cúm Vũ Hán, hãy kiểm tra lại trước các văn bản chính thức được công bố.