PGS Phan Trọng Lân cho biết, với lý thuyết chung về virus corona, (ví dụ SARS-CoV) có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, những virus gây viêm phổi, ở nhiệt độ lạnh thường sống tốt hơn.

Với nCoV, TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết, đặc tính rõ nét của chủng virus này cho đến nay chưa có thông tin chính thức là ở nhiệt độ nào thì nó bị tiêu diệt.

Tùy theo môi trường, nhiệt độ, các điều kiện về độ ẩm thì nó sẽ có khả năng sống khác nhau. Ví dụ như trong nhiệt độ thích hợp dưới 25 độ C, trong dung dịch, trong các loại nước, virus này có khả năng sống tới một vài ngày.

Tuy nhiên, theo TS Hùng, nếu trong môi trường có ánh nắng, có tia cực tím, có nhiệt độ lên đến hơn 30 độ C, thì khi ra khỏi vùng hầu họng, chỉ cần vài ba phút là virus corona chết rồi. Vì vậy, thời gian sống của virus này phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài.

Nhiệt độ ở Việt Nam, cụ thể TP HCM trên 28 độ C là một sự hạn chế với virus này. Điều này cũng đồng nghĩa với "thiên thời", giúp ngăn dịch bùng phát mạnh hơn.

Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, thì sức sống của nó rất lâu đến vài giờ. Trong môi trường vừa có nắng, vừa nhiệt độ cao, thì chỉ trong 3-5 phút nó có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/y-te/dieu-kien-thoi-tiet-ly-tuong-nao-giup-virus-corona-ncov-sinh-soi-phat-trien-202002021058014.htm