LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM BẠN VỚI NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC


Con người chúng ta thời nay phải trải qua với đủ thứ mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày: kẹt xe buổi sáng này; thiếu vài phút nữa là chấm công kịp giờ rồi; sếp lúc nào cũng giao lắm việc thế, chả có thời gian nào mà thở cả; ôi sao tôi cô đơn thế này, bạn bè rủ đi nhậu mà không thấy đứa nào cả; hay đứa nào cũng có đôi có cặp rồi, còn mình làm gì ở trên Trái Đất này thế này?


Đôi khi dưới áp lực của cuộc sống, ắt hẳn ai cũng một lần muốn hét lên để xả cơn tức giận hay cảm xúc tiêu cực trong người: “Sao số tôi khổ quá mà!”, và rốt cuộc bạn vẫn phải khổ sở nuốt cái cục tức đấy để tiếp tục lê bước trong cuộc sống của mình.


Việc bạn tức giận hay bức xúc một vấn đề nào đó trong cuộc sống là điều hết sức tự nhiên. Chúng ta có thể gọi chúng là những điều bất như ý theo ngôn ngữ của đạo Phật. Tuy nhiên, một giáo sư tâm lý học cho biết rằng nếu chúng ta không nắm bắt và nhận thức được những cảm xúc tiêu cực của mình; hay bạn không thể nuốt trôi cục tức đó trong lòng; hay bạn chẳng có ai để chia sẻ; hoặc những điều bất như ý đó lại được củng cố vững chắc hơn qua việc trò chuyện, chia sẻ không đúng cách với bạn bè… Tất cả những điều đó lâu dần sẽ tích góp lại thành một thứ rất nguy hiểm: căn bệnh trầm cảm.


Điều này có thể xảy ra với bất kì ai, bởi nếu bạn càng lặp đi lặp lại một điều gì đó, những suy nghĩ không tốt đó sẽ càng khắc sâu hơn vào trong tâm trí bạn. Tôi có một người bạn là dân sáng tạo, cứ mỗi lần cô bạn này đi làm về mệt mỏi hoặc gặp một vấn đề gì đấy khó khăn trong cuộc sống là cô lại chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực của chính mình. Bạn rất dễ nhận ra những dấu hiệu của họ như: không tập trung vào câu chuyện mà cả hai người đang nói ở thời điểm hiện tại, họ thờ ơ với mọi thứ đang xảy ra ở thời điểm hiện tại, họ chìm đắm trong cảm xúc của mình ở trong quá khứ hoặc tưởng tượng ra những điều tệ nhất có thể xảy ra với mình trong tương lai. Mỗi lần cô bạn của tôi rơi vào tình trạng như vậy là tôi lại rất lo lắng vì đó là những bước nhỏ dẫn đến những bệnh nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu, trầm cảm.


Ngoài ra, việc bạn thường xuyên phàn nàn về các cảm xúc tiêu cực của mình cũng có thể sẽ làm nản lòng của những người đang lắng nghe chúng ta. Trong các nghiên cứu về tâm lý học, việc chia sẻ cảm xúc giữa con người với nhau là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Việc chia sẻ cảm xúc giúp chúng ta trở nên gắn kết và giải tỏa được những căng thẳng, nỗi thất vọng, trăn trở mà bản thân mỗi người gặp phải.

1. Tại sao chúng ta cần chia sẻ cảm xúc của mình?


Mới hôm trước, tôi đã có một bài học thú vị về cách làm sao để chia sẻ cảm xúc hiệu quả từ một bạn đồng nghiệp của mình. Trong một lần góp ý về công việc, cách diễn đạt không tốt của tôi đã khiến cô bạn đó cảm thấy bị áp lực và khi không thể kìm nén cảm xúc của mình, cô bắt đầu òa khóc. Nguyên cả buổi chiều hôm đấy, tôi có thể cảm nhận được sự bức xúc của cô bạn đồng nghiệp và chúng tôi không thể giao tiếp công việc bình thường được nữa.

Tuy nhiên sang ngày hôm sau, cô bạn đó chủ động hẹn gặp tôi để nói chuyện. Khi bắt đầu thảo luận, cô bạn đã suy nghĩ rất kĩ về những gì tôi góp ý hôm qua, cô chia nhỏ từng phần và chia sẻ để tôi hiểu được cảm xúc, cách hiểu của cô ấy thế nào khi nghe những góp ý của tôi. Khi học cách lắng nghe để đi vào đôi giày của người khác, tôi đã nhận ra được tại sao cô ấy lại cảm thấy bức xúc như vậy. Kết thúc buổi nói chuyện, chúng tôi đều hiểu rõ ràng hơn về mong đợi trong công việc của đối phương. Tôi tin rằng mọi vấn đề khó khăn hay bất đồng trong công việc đều có thể giải quyết được bằng cách chúng ta thẳng thắn chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và mong đợi của mình với đồng nghiệp.

Bất cứ khi nào chúng ta chia sẻ cảm xúc của mình với ai đó, đó chính là phương tiện để gắn kết và xây dựng các mối quan hệ xã hội của chúng ta. Con người sẽ cảm thấy gần gũi và kết nối với nhau hơn, tình bạn hay quan hệ vợ chồng cũng sẽ bền chặt hơn, đặc biệt là khi vấn đề cảm xúc đó được giải tỏa. Bạn sẽ có cảm giác như mình vừa chinh phục xong một đỉnh núi vậy.


2. Chia sẻ cảm xúc và những lợi ích của nó mang lại


“Nỗi ám ảnh tiêu cực về một thứ gì đó thực sự là không lành mạnh cho tâm lý lâu dài của con người. Việc “biểu lộ cảm xúc tiêu cực” của bạn giống như một chiếc ấm đun nước cần có chỗ thoát khí ra vậy. Nếu bị tích tụ quá lâu, nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Vì vậy, bạn cần phải tìm “công cụ để biểu đạt”, kết hợp cả hai lại sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cuối cùng của việc làm này - tiến sĩ Kowalski chia sẻ.


Việc nói ra điều bạn đang bức xúc sẽ giúp bạn đặt tên được cho cảm xúc của mình đang gặp phải như: nóng giận, ức chế, bức xúc, cảm thấy khó thở, bị áp lực, rối loạn lo âu, suy nghĩ quá nhiều, căng thẳng… Khi bạn đã xác định được cụ thể một cái tên cho nó, bạn sẽ giúp đẩy quá trình giảm bớt sự đau khổ của mình xẹp xuống nhanh hơn. Nắm bắt được cảm xúc của mình là một cách chữa trị hiệu quả nhất cho những người hay gặp phải vấn đề về kiểm soát cảm xúc. Điều đó mang lại sự tích cực dần cho cả cơ thể và suy nghĩ cho con người.


Ngoài ra, để giải quyết vấn đề cảm xúc tiêu cực này, bạn cũng cần phải lựa chọn được cho mình một người lắng nghe phù hợp - người mà giúp bạn phản hồi hoặc có được những góc nhìn khác đi góc nhìn của bạn. Ví dụ khi bạn bị sếp giao nhiều việc chẳng hạn, bạn đi phàn nàn với người có tâm lý tích cực, họ sẽ khuyên bạn rằng: “Ừ thôi cố lên, tao nghĩ là sếp muốn mày phát triển hơn nữa đấy!”. Còn nếu bạn gặp sai người thì họ sẽ vào hùa với những suy nghĩ tiêu cực của bạn, khiến vấn đề nó vẫn còn nằm ở đó và không được cải thiện thêm chút nào.

Để giải quyết vấn đề cảm xúc tiêu cực của mình, bạn cũng cần phải chủ động hơn trong việc nắm bắt, thay vì chỉ dựa dẫm vào người khác vì suy cho cùng, chỉ có bạn mới giúp chính bạn vượt qua được vũng bùn lầy cảm xúc đó thôi. Các đối tượng được bạn chọn chia sẻ cũng phải cẩn thận vì nếu thực hành sai, cả hai có thể sẽ cùng bị kéo xuống vũng bùn cảm xúc và cùng không thoát ra được. Muốn có được một cơ thể khỏe mạnh bao gồm cả nghĩa đen về mặt thể chất và nghĩa bóng về mặt tinh thần, bạn cần phải nhận biết được những cảm xúc của mình đang gặp phải và cố gắng giải quyết triệt để nó.


3. Thực hành chia sẻ cảm xúc thế nào cho đúng?


Bằng cách chú ý đến tần suất của bạn phàn nàn đang nhiều như thế nào và bạn đang làm điều đó với ai. Bạn sẽ bắt đầu nhận thức được hành vi của mình và có thể bắt đầu có ý thức sửa đổi mỗi khi bạn định lên tiếng. Trong lý thuyết của đạo Phật, chánh niệm (mindfulness) đã chứng minh được là một phương pháp hiệu quả để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực về những điều bất như ý đang diễn ra với bạn.


Một khi bạn đã bắt đầu chú ý đến thói quen của mình, bạn sẽ nhận ra mình cần làm gì để thay đổi điều đấy. Ví dụ trước khi bạn tìm đến đồng nghiệp hay bạn bè của mình để phàn nàn, chia sẻ một vấn đề khó chịu nào đó, hãy thử hít một hơi sâu hoặc ra ngoài tản bộ trong một vài phút. Khi quả bong bóng đang có dấu hiệu căng lên mà bạn cho xẹp nó xuống, bạn sẽ suy nghĩ sáng suốt hơn rất nhiều về vấn đề mình gặp phải.


“Hay một cách thực hành thú vị hơn là trước khi bạn bắt đầu, bạn có thể cho đối tượng của mình biết trước về suy nghĩ và hành động của bạn sắp làm. Như vậy bạn bè, người thân của bạn sẽ có sự chuẩn bị và nhận thức đúng đắn về việc bạn đang cần gì, làm sao để giúp bạn tốt hơn” - nhà tâm lý học Gilbertson phát biểu.


Việc xây dựng một thói quen suy nghĩ và ý thức về mục đích của buổi trò chuyện (thay vì bạn làm điều đó một cách tự động trong vô thức), sẽ giúp những chia sẻ cảm xúc của bạn bớt tiêu cực hơn, ngắn hơn, có trọng tâm hơn, giúp cho cả mối quan hệ của bạn với những người nghe cũng đỡ cảm thấy khó chịu hơn.


Tóm lại, bạn cần xây dựng những thói quen về việc ý thức cảm xúc của bản thân, tìm hướng giải quyết phù hợp (thông qua chia sẻ với đối tượng phù hợp, viết nhật ký…) và suy nghĩ sâu hơn về vấn đề cảm xúc của mình đang gặp phải, sẽ giúp điều hướng cảm xúc của bạn cân bằng và đi đúng hướng hơn. Còn nếu bạn cảm thấy khó khăn khi thực hành những điều này ư? Đừng tự đặt áp lực lên chính mình, việc chấp nhận bản thân mình đang ở mức nào cũng là một sự nhận biết đáng khen rồi. Suy nghĩ như vậy chỉ khiến bản thân bạn gặp rắc rối hơn chứ không có mang tính chất xây dựng tốt hơn. Và điều sau cùng: “nếu có điều gì sai xảy ra đi chăng nữa, chúng ta luôn luôn có một câu thần chú xin lỗi - để nói với người thân hay tha thứ cho chính bản thân mình”, hãy tiếp tục sống một đời sống tinh thần khỏe mạnh cho bản thân mình nhé!

---
Tác giả: An Anh Vũ - Lược dịch từ bài viết của Micaela Marini Higgs.