NẾU CHỈ LÀM VIỆC 4 NGÀY 1 TUẦN, LIỆU BẠN CÓ HẠNH PHÚC HƠN KHÔNG?

Người lao động trên thế giới đã đòi hỏi nhiều lần về nó. Các tập đoàn và chính phủ đã thử nghiệm hàng thập kỉ. Thế giới đã bàn tán về về việc chỉ làm bốn ngày một tuần cả nửa thế kỉ nay. Cứ lâu lâu, ý tưởng này lại nhảy lên trang nhất của tất cả các báo như một mong đợi về việc thay đổi. Mới đây nhất là báo cáo của công ty Microsoft Nhật Bản công bố kết quả sau khi thử nghiệm, năng suất lao động của các nhân viên đã tăng hơn 40%. Cộng đồng mạng ca tụng kết quả này như một sự tiến bộ sâu sắc và hy vọng sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng về lao động trong tương lai.


Ngược lại dòng lịch sử, Henry Ford - nhà sáng lập hãng ô tô Ford, là một trong những người đi tiên phong về việc thiết lập số ngày làm việc của công nhân là năm ngày một tuần. Ông tin tưởng theo đuổi kế hoạch này và phổ cập nó trở thành một phần văn hóa của công ty, sẵn sàng trả thêm một ngày công thứ sáu nếu các công nhân đạt được năng suất hiệu quả. Sự thay đổi này đã phản ánh một xu hướng rộng lớn của xã hội thời bấy giờ và kéo dài đến tận thời hiện đại. Một bài toán đơn giản về hiệu suất, trong 4 ngày nếu bạn sản xuất được 1000 sản phẩm. Vậy khi nâng số ngày làm việc lên 5, chắc chắn bạn sẽ sản xuất được 1250 sản phẩm nếu đúng tiến độ và không có gì thay đổi.


Ngay cả khi sự tiến bộ về công nghệ ngày càng phát triển - tức việc lao động tay chân sẽ được cải thiện hiệu suất và giảm thời gian lao động của công nhân xuống, nhưng trên thực tế, chúng ta đã lầm. Số giờ làm việc mỗi tuần ổn định ở mức ít nhất 40 giờ mỗi tuần. Con người tôn sùng việc lao động như một phần không thể tách rời trong cuộc sống. Đồng thời ở một khía cạnh khác, con người chúng ta đang theo đuổi những giá trị vật chất nhiều hơn để thỏa mãn trong cuộc sống. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải lao động nhiều hơn nữa để đánh đổi tiện nghi vật chất.

Ngày nay, các nhà lãnh đạo, tuyển dụng thường không sẵn lòng thử nghiệm phương án làm việc bốn ngày một tuần. Họ phải thừa nhận rằng có ba điểm khiến họ băn khoăn lớn nhất: sự quan tâm đúng mực, niềm tin vào nhân viên và những lợi ích có thể mang lại khi giảm số ngày làm việc xuống. Họ đều đồng ý rằng nếu có thêm nhiều dữ liệu chứng minh một cách hợp lý và khoa học về vấn đề này, họ sẽ sẵn sàng thay đổi vì suy cho cùng nếu năng suất lao động tăng lên thì công ty cũng sẽ đạt kết quả tốt hơn.


Thứ chúng ta có hiện nay là những ví dụ chưa đủ thuyết phục và nhất quán. Trong một số báo cáo, số ngày làm việc tuy là bốn ngày nhưng vẫn đủ 40 tiếng làm việc mỗi tuần; một số nơi thì đơn giản là họ loại bỏ một ngày trong tuần; thậm chí có những nơi tiền lương của người lao động bị cắt vì giảm số ngày làm việc. Kết quả là chúng ta có được một mớ hỗn độn kết quả, không nhất quán theo một công thức có thể đo lường được chính xác độ hiệu quả của việc rút ngắn số ngày làm việc để tăng năng suất.


Ngoài ra, chúng ta có thể thấy có rất nhiều rào cản về văn hóa và thể chế của từng đất nước khác nhau. Mỗi quốc gia lại đang ở trong những giai đoạn khác nhau và người lao động thì phải theo xu hướng của những người lãnh đạo quốc gia họ. Và một lý do đặc biệt muôn thuở của loài người là việc họ ngại phải thay đổi.


Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới. Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Singapore 176 giờ… Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đang nhìn vào số giờ lao động mà quên đi điểm mấu chốt của vấn đề là hiệu suất lao động. Số giờ làm việc cao không có nghĩa là bạn đang làm việc hiệu quả và năng suất.


Trong thế kỷ 20, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người là thước đo để đánh giá thành công của một đất nước. Từ góc nhìn này, mỗi công dân của Singapore đang sản xuất trị giá 56.000 đô la mỗi năm, trong khi đó ở Costa Rica mỗi công dân của họ chỉ sản xuất trị giá 14.000 đô la mỗi năm. Như vậy chúng ta có thể coi Singapore là đất nước thành công và phát triển hơn.


Nhưng ngày nay, con người đang tự hỏi lại chính bản thân mình là họ muốn gì? Họ muốn cắm mặt vào lao động hay là muốn được hạnh phúc? Việc sản xuất là quan trọng vì nó cung cấp cơ sở vật chất, lợi ích cho hạnh phúc. Nhưng trên hết, nó chỉ là phương tiện để con người đạt được chứ không phải mục đích. Nếu như chúng ta lật lại vấn đề ở trên, nếu người Costa Rica cho thấy mức độ hài lòng với cuộc sống của họ cao hơn nhiều so với người Singapore. Vậy bạn sẽ thích là một người Singapore làm việc năng suất cao nhưng bất mãn, hay một người Costa Rica làm việc kém năng suất hơn nhưng hài lòng?


Vậy rốt cuộc, chúng ta có thực sự cần lao động áp lực hơn để có thêm nhiều tiện nghi, nhưng đánh đổi lại là một cuộc sống không hạnh phúc không?


Xu hướng làm việc bốn ngày một tuần thực sự vẫn là một ẩn số ở thời điểm hiện tại, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng và tin vào nó - nếu điều đó thực sự mang lại hạnh phúc cho con người.

Trong lịch sử, rất nhiều các thí nghiệm đã tìm cách chứng minh khi người lao động thực sự đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, họ trở nên hạnh phúc hơn, yêu thích công việc mình đang làm hơn. Từ đó, người lao động sẽ có thêm nhiều động lực để làm việc, dẫn đến việc tăng năng suất lao động là một điều hiển nhiên.


Vậy còn bạn thì sao? Nếu như có thêm một ngày nghỉ trong tuần, bạn sẽ quyết định làm gì với nó?


- An Anh Vũ